Mẹo bảo trì dàn âm thanh ngay tại nhà trong mùa dịch
Đã có 902 lượt xem sản phẩm
Tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của các cơ sở karaoke hay các quán bar, pub phục vụ âm thanh giải trí. Các thiết bị âm thanh cũng vì dịp này mà không thể hoạt động, nhiều người lại nghĩ rằng đây là dịp để chúng nghỉ ngơi nhưng thực chất khi các thiết bị âm thanh không được sử dụng sẽ dễ hư hỏng hơn cả bình thường.
Dàn âm thanh yêu quý của bạn có thể bị ẩm mốc và chịu tác động của các loại côn trùng, sự cắn phá của chuột,...khiến cho hệ thống dây cáp, dây nối bị đứt. Sau một thời gian dài không sử dụng, các thiết bị âm thanh cũng sẽ gặp tình trạng đóng bụi trên mặt lưới loa, màng loa. Hệ thống quạt làm mát cũng bám đầy bụi bẩn.
DXAudio sẽ chia sẻ đến các bạn những mẹo giúp bạn có thể bảo trì dàn âm thanh của mình ngay tại nhà khi tình hình dịch diễn ra căng thẳng như hiện nay. Hãy tham khảo và thực hiện để bảo vệ những thiết bị âm thanh của bạn khỏi những hư hỏng không đáng có nhé!
1. Mở nhạc thật lớn để máy chạy thật nóng
Đây là điều mà mọi người sẽ nghĩ không cần thiết và dễ dàng bỏ qua. Nhưng sự thật cho thấy nếu bạn mở nhạc dance thật lớn để tầm 20-30 phút để máy móc trong thiết bị chạy thật nóng. Duy trì điều này 3 ngày 1 lần sẽ giúp duy trì tuổi thọ cho thiết bị của bạn trong khoảng thời gian dài không sử dụng.
2. Mở volume to dần đều và bật nguồn từng thiết bị
Một điều đáng lưu ý khi khởi động hệ thống âm thanh của bạn, hãy bật thiết bị nguồn điện từng thiết bị âm thanh trong bộ dàn đồng thời chỉnh volume từ nhỏ đến lớn một cách từ từ và đều.
3. Kiểm tra tủ máy và hệ thống dây nối
Những hư hại bởi tác động bên ngoài như thời tiết, ẩm mốc, côn trùng,… chính là mối lo hàng đầu đối với những tín đồ âm thanh. Chính vì thế việc kiểm tra các dây nối, dây cáp, jack speakon và các mối nối dây là vô cùng quan trọng. Hãy mở luôn cả tủ máy và soi đèn kiểm tra thật kỹ để nắm bắt được tình trạng thiết bị của mình. Việc này nên được thực hiện thường xuyên và kỹ càng.
4. Tháo pin ra khỏi micro
Hãy thực hiện tháo pin ra khỏi micro của bạn, đem phơi khô và cất, vệ sinh ô chứa pin. Nếu để pin trong micro thời gian dài mà không sử dụng pin sẽ bị chảy, gây hư hỏng trực tiếp đến micro, ảnh hưởng đến các bo mạch bên trong. Điều này cũng giúp tối ưu hóa độ bền và tuổi thọ của micro.
5. Dùng khăn trùm che phủ đầu karaoke
Nếu hỏi thiết bị nào mỏng manh và dễ chịu những ảnh hưởng gây nên hư hỏng nhất thì câu trả lời chắc chắn là đầu karaoke chọn bài, nhất là đầu karaoke với màn hình cảm ứng. Chỉ cần một tác động nhỏ hoặc rơi đổ cũng có thể khiến đầu karaoke của bạn gặp phải hư hỏng nặng. Thế nên, hãy cẩn thận tối đa và dùng khăn phủ lên đầu karaoke chọn bài của bạn, vừa tránh bám bụi vừa có thể bảo vệ được nó.
6. Vệ sinh màng loa full và loa sub bên trong
Để đảm bảo sau thời gian dài không sử dụng, loa của bạn vẫn hoạt động tốt và mang đến chất âm hay nhất, đừng bỏ qua bước này.
Tách mặt lưới bên ngoài của loa ra và thực hiện vệ sinh màng loa full, loa sub. Dùng chổi lông quét nhẹ hoặc máy hút bụi cho sạch bụi. Tuyệt đối không sử dụng khăn ướt hoặc xịt nước trực tiếp vào loa.
Vệ sinh loa thường xuyên sẽ giúp loa của bạn sạch như mới, mang đến chất lượng âm thanh tuyệt vời.
7. Vệ sinh quạt gió, hệ thống mạch công suất của cục đẩy
Một dàn âm thanh chất lượng không thể thiếu sự góp mặt của cục đẩy công suất. Khi thực hiện các bước vệ sinh, bạn cũng đừng quên vệ sinh cho chiếc main công suất của mình thật sạch sẽ.
Cục đẩy thường có rất nhiều nút điều chỉnh nhỏ, bạn có thể dùng tăm bông nhỏ hoặc máy thổi bụi để vệ sinh sạch sẽ mọi ngóc ngách và các chi tiết nhỏ nhất.
Để giúp giảm hiện tượng oxy hóa trên bề mặt tiếp xúc, bạn cũng nên xoay các núm điều chỉnh vài lần.
DXAudio vừa chia sẻ các mẹo giúp bạn có thể vệ sinh, bảo trì các thiết bị âm thanh của mình ngay tại nhà vô cùng đơn giản và hiệu quả. Đừng quên thực hiện và chia sẻ đến người thân, bạn bè để bảo vệ cũng như tăng tuổi thọ cho dàn âm thanh yêu dấu nhé!